VIMEXTECH

Tăng cường ứng phó sự cố hóa chất

Thứ Ba, 14/11/2023
NGÔ XUÂN TRƯỜNG

Công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất là hoạt động vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất – hoạt động quan trọng

Nhằm nâng cao công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất, ngày 18/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP. Theo đó, có bổ sung quy định: Hàng năm, các cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương. Điều này nhằm khắc phục tình trạng nhiều cơ sở hóa chất sau khi xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng không tổ chức diễn tập ứng phó sự cố.

Mới đây, tại Tọa đàm “Biện pháp tăng cường ứng phó sự cố hóa chất” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương chia sẻ, hiện hoạt động hóa chất nói chung gồm một chuỗi hoạt động, gồm sản xuất kinh doanh, lưu trữ, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất ra sản phẩm, cuối cùng là thải bỏ. Chuỗi khép kín của hóa chất gồm rất nhiều khâu, mỗi khâu đều có phát sinh ra những tình huống cần phải ứng phó. Những tình huống nguy hiểm có thể là hoạt động rò rỉ, cháy nổ, phát tán khí độc ra môi trường. Khi phát sinh những tình huống như vậy, tùy theo quy mô có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng con người.

Ở góc độ địa phương, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh chia sẻ, đối với tỉnh Bắc Ninh, ngay từ ngày đầu thành lập khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cũng như các doanh nghiệp sản xuất thì Sở Công Thương đã tham mưu cho tỉnh Bắc Ninh và xác định diễn tập ứng phó với sự cố hóa chất là trọng trách và nhiệm vụ của ngành Công Thương.

Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, trong 2-3 năm vừa rồi, Bắc Ninh đã tổ chức được hai cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất.

Những cuộc diễn tập tại tỉnh được đánh giá rất cao, quy mô, hình thức tổ chức đảm bảo an toàn, tạo ra sự lan tỏa rất mạnh mẽ. Từ đó “đánh” vào ý thức, nhận thức của người đứng đầu của các doanh nghiệp, cơ sở tham gia hoạt động hóa chất. Các doanh nghiệp đã thực hiện rất tốt câu chuyện là xây dựng kế hoạch, thuộc đối tượng xây dựng kế hoạch trình Bộ Công Thương phê duyệt” – ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có Tập đoàn Samsung là đơn vị sử dụng hóa chất lớn và nhiều đơn vị khác. Sở Công Thương Bắc Ninh có giải pháp để kiểm soát các hoạt động này thông qua thanh tra, kiểm tra hàng năm theo định kỳ và kiểm tra đột xuất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Hà Thị Nguyệt Quế – Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Hóa chất và Môi trường Vũ Hoàng (khu công nghiệp Đại Đồng Hoàng Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cho hay, về vấn đề diễn tập ứng phó sự cố hóa chất, công ty đã được UBND tỉnh Bắc Ninh và Sở Công Thương Bắc Ninh lựa chọn là đơn vị để tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất toàn tỉnh Bắc Ninh năm 2019. “Nhận thức được vai trò của vấn đề an toàn, cũng như sự phát triển của toàn doanh nghiệp, xuyên suốt từ khi thành lập đến nay, chúng tôi ý thức được rằng, áp dụng những biện pháp ứng phó sự cố hóa chất là rất quan trọng. Đó là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của công ty chúng tôi. Đây cũng là giải pháp giúp công ty hoạt động lâu dài” – bà Hà Thị Nguyệt Quế nhấn mạnh.

Nâng cao công tác ứng phó sự cố hóa chất

Mặc dù, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò, cũng như tầm quan trọng của công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất, song theo Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại các địa phương ở nước ta chưa cao, đạt khoảng 35-40%. Số địa phương thực hiện diễn tập ít nhất là 1 lần. Nhưng việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh đạt trên 90%.

Nguyên nhân xuất phát từ một số khó khăn của chính nội tại doanh nghiệp. Bà Hà Thị Nguyệt Quế cho biết đó là vấn đề nhân lực. Doanh nghiệp đang thiếu những cán bộ có chuyên môn thực sự tốt để ứng phó sự cố hóa chất.

Ngoài ra là khó khăn về triển khai 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ trong ứng phó sự cố hóa chất. Nhất là phương tiện ứng phó tại chỗ, doanh nghiệp đã cố gắng trang bị những thiết bị tốt nhất để ứng phó nhưng với khối lượng hàng hóa tồn trữ trong nhà máy lớn thì sẽ rất khó khăn, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong ứng phó với sự cố hoá chất, ông Nguyễn Xuân Sinh cho biết, ứng phó sự cố hóa chất cần được phân theo mức độ. Với sự cố nhỏ, việc xây dựng kịch bản tình huống phải được đề cập sẵn trong biện pháp ứng phó, bảo đảm xử lý tại chỗ. Với sự cố lớn hơn, phải có sự chi viện của các lực lượng ứng cứu bên ngoài. Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra các địa phương để đánh giá hoạt động thực thi. 

Để nâng cao công tác ứng phó, xử lý, sắp tới, Cục Hóa chất được Bộ Công Thương giao chủ trì việc xây dựng Bộ Luật Hóa chất mới, trong đó thay thế, hoặc sửa đổi một số điều căn cứ trên các nghiên cứu và thực tiễn quản lý thời gian qua. Bộ luật mới sẽ bổ sung những quy định cấp thiết để kịp thời hoàn thiện khung khổ pháp lý.


 Tác giả: Phương Anh

Tiếng Việt Tiếng Anh
Được hỗ trợ bởi google Dịch
 
Hotline 0913208796