HÓA CHẤT KHỬ KHUẨN- SÁT KHUẨN SỬ DỤNG TRONG Y TẾ (Phần 2- 2. Chlorine và hợp chất chlorine)
Hiện nay có nhiều loại chất khử khuẩn được sử dụng tại các cơ sở y tế như cồn, các loại hợp chất chlorine, fofmaldehyde, glutaraldehyde, hydrogen peroxide (oxy già), iodophors, peracetic acid, phenolic, hợp chất ammonium bậc 4, và những hợp chất được tạo ra do kết hợp giữa các chất khử khuẩn kể trên.
Các hóa chất khử khuẩn không thể sử dụng thay thế cho nhau. Người sử dụng hoá chất cần được cung cấp đầy đủ thông tin về những hoá chất đang sử dụng để lựa chọn chất khử khuẩn thích hợp và sử dụng chúng theo cách hiệu quả nhất.
Các bệnh về da có thể gặp ở NVYT khi tiếp xúc với một số chất khử khuẩn như: chlorine, fofmaldehyde, glutaraldehyde. Do vậy, NVYT khi sử dụng chất khử khuẩn cần mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ cần thiết (mũ, khẩu trang, găng tay); khu vực khử khuẩn, tiệt khuẩn cần được thông khí tốt.
- Chlorine và hợp chất chlorine
- Ðặc điểm chung
Hypochlorites là chất khử khuẩn được sử dụng phổ biến nhất trong các cơ sở y tế. Loại hoá chất này tồn tại ở hai dạng: dạng lỏng (sodium hypochlorite hay Javel) hoặc dạng rắn (calcium hypochlorites, sodium dichloroisocyanurate).
Các chất khử khuẩn chlorine có phổ kháng khuẩn rộng, diệt khuẩn nhanh, giá thành thấp. Tuy nhiên, việc sử dụng hoá chất này trong bệnh viện bị hạn chế vì 3 lý do:
- Ăn mòn các dụng cụ, vật dụng y tế khi tiếp xúc;
- Hoạt tính diệt khuẩn giảm hoặc mất khi có mặt các chất hữu cơ;
- Dung dịch hypochlorite khi dùng kết hợp với dung dịch formaldehyde sẽ xảy ra phản ứng tương tác, tạo ra chloromethyl có khả năng gây ung thư.
Những hợp chất thay thế giải phóng chlorine được sử dụng trong bệnh viện bao gồm hai loại: dioxide chlorine và choloramin T. Những hợp chất này có ưu thế hơn so với Hypochlorites do chúng duy trì tác dụng của chlorine kéo dài hơn và như vậy hiệu quả diệt khuẩn cũng được kéo dài hơn.
Hoạt tính diệt khuẩn của chlorine được tạo thành chủ yếu do có hypochlorous acid ở dạng không phân ly (HOCl). Trong điều kiện môi trường pH kiềm sẽ thúc đẩy sự phân ly của hypochlorous acid, do vậy làm giảm hoạt tính diệt khuẩn của chlorine.
-
- Cơ chế tác dụng
Hợp chất cholorine làm ức chế phản ứng tạo ra enzyme cần thiết tham gia vào quá trình chuyển hoá trong tế bào vi khuẩn, làm thay đổi bản chất protein và bất hoạt các acid nucleic của vi khuẩn.
-
- Hướng dẩn sủ dụng
Dung dịch pha loãng từ 1/10 đến 1/100 của dung dịch sodium hypochlorit 5,25% được sử dụng để khử khuẩn các bề mặt thông thường (sàn nhà, tường, trần nhà, mặt bàn xét nghiệm...). Sodium hypochlorite còn được sử dụng trong giặt khử khuẩn đồ vải y tế, xử lý chất thải y tế, khử khuẩn các dụng cụ nha khoa, máy chạy thận nhân tạo, nước pha dịch lọc và những dụng cụ sử dụng trong thuỷ liệu pháp. Cholorine được sử dụng phổ biến trong khử khuẩn nước. Việc sử dụng chlorine ở nồng độ cao làm giảm đáng kể số lượng vi khuẩn Legionella trong các nguồn nước ô nhiễm.
Hoạt tính diệt khuẩn của dung dịch Sodium hypochlorit bị giảm hoặc mất hoạt tính khi có mặt các chất hữu cơ. Do vậy, bề mặt dây nhiều máu, mủ cần được lau sạch trước khi khử khuẩn.
Trong quá trình khử khuẩn, NVYT phải mang đầy đủ các phương tiện bảo hộ. Bề mặt của các dụng cụ đào tạo cấp cứu hồi sức tim mạch được khử khuẩn bằng dung dịch có nồng độ chlorine tối thiểu là 500 ppm trong thời gian 10 phút.
Dung dịch sodium hypochlorite ở pH = 8 có nồng độ ổn định trong khoảng thời gian 1 tháng nếu được lưu trữ trong các can/hộp sẫm màu ở nhiệt độ phòng (230C).