VIMEXTECH

Hóa chất độc hại được rao bán tràn lan: Bịt 'lỗ hổng' trong quản lý

Thứ Năm, 01/08/2024
NGÔ XUÂN TRƯỜNG

 

Khảo sát của phóng viên cho thấy nhiều loại hóa chất độc hại đang được rao bán tràn lan trên mạng, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử.

Thuốc diệt chuột một bệnh nhi tự mua trên mạng. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương
Thuốc diệt chuột một bệnh nhi tự mua trên mạng. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Mới đây, vụ đầu độc người nhà bằng xyanua ở Đồng Nai và 6 người chết nghi bị đầu độc bằng xyanua tại Thái Lan được coi là hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm khi hóa chất độc hại dễ mua, dễ bán.

Ngập tràn hoá chất trên không gian mạng

Những vụ việc này đã dấy lên quan ngại về sự dễ dàng trong mua, bán hoá chất. Chỉ cần gõ “mua xyanua giá rẻ” trên thanh tìm kiếm Google, ngay lập tức cho ra nhiều kết quả rao bán xyanua (hay còn có tên gọi khác là Kali xyanua, Potassium cyanide) với số lượng từ 1 kg đến 50 kg hoặc thậm chí nhiều hơn.

Người có nhu cầu có thể đặt mua dễ dàng. Chất cực độc này được rao bán tự do, công khai tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, các website hay thậm chí cả sàn thương mại điện tử.

Người muốn sử dụng chất độc này cũng dễ dàng hỏi mua mà không cần bất cứ điều kiện nào. Trong một hội nhóm chuyên mua bán hoá chất, dưới một dòng trạng thái “Mình cần mua kali xyanua”, có rất nhiều bình luận chào bán loại hóa chất này.

Không chỉ dừng lại ở đó, dù mua với số lượng nhiều hay ít cũng đều được đáp ứng. Người bán chỉ cần bán được hàng mà không cần quan tâm khách mua loại chất cực độc này để sử dụng vào mục đích gì.

Tại nhóm “Hội hóa chất” có gần 50.000 thành viên, một người dùng đăng dòng thông tin “Cần mua xyanua”. Ngay lập tức, có rất nhiều tài khoản chào hàng cho biết vừa nhập về xyanua số lượng lớn và đề nghị nhắn tin riêng. Thậm chí, có tài khoản mạng còn chụp lại hình xyanua dạng nén, dạng bột để chào hàng.

Khảo sát của phóng viên cho thấy rất nhiều loại hóa chất độc hại khác cũng đang được rao bán tràn lan trên mạng, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử. Chỉ cần gõ từ khóa “thuốc diệt chuột giá rẻ”, “dung dịch acid H2SO4”, “thuốc cỏ cháy hoạt chất cũ paraquat”… thì hàng loạt kết quả sản phẩm được rao bán, thuộc nhiều cửa hàng khác nhau. Người mua chỉ cần một cú nhấp chuột bỏ vào giỏ hàng và thanh toán, vài ngày sau sẽ có hàng gửi đến tận nhà.

Đã có không ít trường hợp nguy kịch do ngộ độc hoá chất. Tháng 3 vừa qua, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi (13 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do bị ngộ độc thuốc chuột. Trẻ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm có ý tưởng tự sát.

Trước khi vào viện 2 ngày, trẻ uống 2 tuýp thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc do tự đặt mua trên trang thương mại điện tử. Sau uống, trẻ xuất hiện nôn nhiều, chóng mặt, gia đình mới phát hiện và đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, trẻ nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân. Sau khi khai thác bệnh sử kết hợp thăm khám và làm các xét nghiệm độc chất, trẻ được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột Natri Fluoroacetat.

Có quản lý được việc bán, mua?

Uống nhầm thuốc, hoá chất không phải là trường hợp hiếm gặp. Bởi, trẻ nhỏ thường tò mò và hiếu động, chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại. Hằng năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc diệt chuột, các chất gây nghiện, thuốc an thần của người lớn…

Ngoài ra, bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên ngộ độc thuốc diệt chuột có chủ đích do trẻ có ý định tự tử… Điều này dẫn đến các tổn thương nặng nề, thậm chí có trường hợp nguy kịch tính mạng.

Theo BSCKII. Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, với gia đình có trẻ nhỏ, cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của bé. Tốt nhất là nên cất hoá chất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc.

Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn. Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đối với trẻ nhỏ độ tuổi mẫu giáo, cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc con khi vui chơi và sinh hoạt. Đối với những trẻ lớn hơn, cần được dạy về những loại hóa chất độc hại, cách phân biệt loại đồ ăn có hình dáng tương tự cũng như quan tâm tâm tư tình cảm, tâm sinh lý của con.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng tách bé ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc. Sau đó, khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Khi đi, cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các thuốc diệt chuột thế hệ cũ cách đây 10 - 20 năm hầu hết nhập lậu từ Trung Quốc, gây co giật, hôn mê, loạn nhịp tim. Những thuốc này đã bị cấm và ít xuất hiện trở lại. Song, ngày nay các loại thuốc thế hệ mới gây chảy máu do kháng vitamin K.

Những chất này gây độc diễn biến âm thầm và trong 3 ngày đầu, bên ngoài biểu hiện bình thường. Tuy nhiên, sau thời điểm này, xuất hiện các dấu hiệu chảy máu ở răng, mũi, da, tiêu hóa...

Có những người chỉ chảy máu nặng khi sau chấn thương, va chạm, sau các thủ thuật tác động qua da khi đi khám chữa bệnh (tiêm, chọc, tán sỏi…). Bệnh nhân vì nhiều lý do không khai thật đã uống thuốc diệt chuột nên bác sĩ dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý khác.

TS Nguyên cho biết, các cơ quan quản lý cần quản lý chặt các sản phẩm hóa chất diệt chuột, quản lý việc bán (cấm người bán rong bán các hóa chất diệt chuột hay các hóa chất độc hại, chỉ các cơ sở hoặc quầy có đăng ký mới được kinh doanh các hóa chất diệt chuột hoặc các hóa chất bảo vệ thực vật nói chung).

Đồng thời, cần quản lý việc mua, làm sao trẻ em, người bị bệnh tâm thần không thể mua được, cần lưu lại danh tính và nhận dạng của người mua.

Viết bình luận của bạn
Tiếng Việt Tiếng Anh
Được hỗ trợ bởi google Dịch
 
Hotline 0913208796